Cơ chế sản xuất sữa mẹ

Cơ chế sản xuất sữa mẹ

 

Trở lại câu nói cửa miệng của các bà mẹ trẻ ngày nay: “Mình không đủ sữa, buộc phải cho bú bình”. Thế thì mọi người thử nghĩ nhé: Có loài động vật nào không đủ sữa nuôi con và phải đi “mua” sữa của loài khác?  Tại sao hàng triệu triệu người trên khắp năm châu có thể cho con bú mẹ hoàn toàn được? Ông bà ta ngày xưa, thậm chí người nông thôn bây giờ không có tiền mua sữa bò thì nuôi con bằng cái gì?

Đây mới là thực tế:

–        Lượng sữa trung bình một người sản xuất trong một ngày là 1 lít, thừa đủ cho nhu cầu lúc cao điểm nhất của em bé, tức khi bé 5-6 tháng, trước khi ăn dặm.

–        Số người thực sự không đủ sữa cho con bú là vô cùng ít (3-5%), đa số do có vấn đề bệnh lý về vú và tuyến sữa, hoặc có phẫu thuật ngực.

Vậy thì đâu là nguyên nhân dẫn đến cảm giác “không đủ sữa”? Đơn giản là vì mọi người không hiểu cơ chế sản xuất sữa, không biết cơ thể sản xuất sữa do đâu, như thế nào, điều gì tác động đến việc sản xuất sữa.

Có một từ duy nhất cần ghi nhớ ở đây, đó là cơ chế “Cung-Cầu”. Con cần nhiều sữa, mẹ sẽ sản xuất nhiều; còn cần ít, mẹ sẽ sản xuất ít; con không cần nữa thì mẹ sẽ dứt sữa. Chính vì thế mà khi muốn cai sữa người ta chỉ cần giảm kích thích (kích thích có 2 cách: cho bú hoặc vắt sữa) cho đến khi hết hẳn sữa. Và ngược lại, muốn có nhiều sữa, hãy kích thích thật nhiều. Đơn giản thế thôi!

Nên nhớ: 2 ngực sản xuất sữa độc lập với nhau, tùy theo lượng kích thích. Ngực được bú/vắt càng cạn, sữa càng được sản xuất nhanh. Ngực càng được bú/vắt thường xuyên, sữa càng sản xuất nhiều.

Một điều quan trọng nữa mọi người cần biết: cơ chế sản xuất sữa được hình thành trong vòng 6 tuần đầu tiên sau sinh. Đây là thời điểm vàng để kích thích sản xuất sữa, quyết định lượng sữa sẽ có nhiều hay ít về sau. Thời gian này người mẹ giống như một nhà máy chưa biết nhu cầu khách hàng, khách cần đến đâu sản xuất đến đó. Vậy thì, cần phải tranh thủ 6 tuần này để kích thích hay còn gọi là “ép sữa”. Cụ thể:

–        Bắt đầu cho bú trong vòng 6h đầu sau sinh, không được chậm trễ. Vắt sữa nếu bé bị cách ly mẹ. Dù lúc này có thể không có hoặc chỉ có vài giọt sữa cũng phải tích cực cho bú/vắt để khởi động “máy móc”.

Không lo việc có quá ít sữa, sợ bé đói. Mọi người có biết nhu cầu của em bé mới sinh trong 2 ngày đầu chỉ là 1-2 thìa café sữa/bữa mà thôi hay không? Mặc dù trẻ có thể bú nhiều hơn nhưng hoàn toàn không cần thiết. Chưa kể vài ml sữa non lại có giá trị dinh dưỡng rất cao. Vì thế, bú mẹ thôi hoàn toàn đủ.

Bên này khi cho bé bú bình những bữa đầu tiên, người ta giới hạn 10ml lần đầu rồi tăng dần chứ không cho bú thỏa thích, rất hại cho tiêu hóa của bé, dù 10ml vẫn là nhiều hơn nhu cầu thực tế của bé.

–        Liên tục cho bú bất kì lúc nào bé khóc, không nhất thiết phải theo giờ giấc cố định.

–        Ngày thứ 2 đến 5 sau sinh, sữa sẽ về, ngực mẹ căng tức khó chịu. Quá trình xuống sữa kéo dài 1-2 ngày. Lúc này phải đảm bảo cho bé bú hoặc vắt sữa 8-12 lần/ngày kể cả ban đêm, tức là trung bình 3h/lần hoặc nhiều hơn nếu bé có nhu cầu hay sữa về ít. Dùng máy vắt nếu bé không chịu bú hoặc bú yếu, không hiệu quả. Thời gian đầu sữa còn ít, nhưng nếu kiên trì kích thích đủ đúng như trên thì lượng sữa sẽ tăng vô cùng nhanh chóng.

Ghi chú về quá trình sữa về: Để bớt đau nhức và tránh nhiễm trùng khi xuống sữa, ngoài việc cho bé bú/vắt sữa thường xuyên, mọi người có thể tắm nước ấm, sữa từ 2 bầu ngực sẽ tự động chảy bớt. Tuyệt đối không chườm nóng ngực, thay vào đó dùng một số khăn mặt thấm nước xâm xấp rồi cho vào ngăn đá để đông lạnh. Lúc đau lấy khăn ra đắp quanh ngực sẽ đỡ.

–        Để duy trì nguồn sữa, tiếp tục vắt/cho bú ít nhất 8 lần/ngày. Khoảng cách giữa các lần không được quá 6 tiếng. Làm như vậy liên tục trong ít nhất 6 tuần đầu tiên.

–        Để tránh trường hợp bé bú bình quen không chịu bú mẹ – một trường hợp không phải bé nào cũng bị nhưng cũng không hiếm gặp – tuyệt đối không cho trẻ bú bình hoặc ngậm ti giả. Nên nhớ thứ đầu tiên và duy nhất cho vào miệng trẻ là ti mẹ, và chỉ có ti mẹ trong 6 tuần đầu mà thôi. Nếu bé bị cách ly, đẻ non, không chịu/không biết bú… thì phải vắt sữa mẹ rồi đút bằng thìa hoặc bơm bằng xilanh. Đồng thời vẫn phải vắt sữa mẹ đều đặn bằng máy như đã nói ở trên để duy trì sữa.

Sở dĩ nhiều bé gặp khó khăn khi chuyển từ ti bình sang ti mẹ là bởi cách bú 2 thứ này hoàn toàn khác nhau. Bú bình rất nhẹ nhàng, chỉ cần mút nhè nhẹ vẫn có sữa chảy đều đều. Trong khi đó bú mẹ phải há to, mút mạnh và sâu mới có sữa. Chính vì thế mà đa phần bé bú bình sẽ rất cáu kỉnh vì bú mẹ “vất vả” quá.

Để sửa chữa sai lầm đầu tiên, HA phải vắt sữa liên tục ngày đêm 3h/lần bằng máy vắt điện loại chuyên nghiệp để giữ sữa. Cứ thế ròng rã gần 1 tháng trời, vô cùng mệt mỏi. Đồng thời chấm dứt ngay việc cho Chíp bú bình. Chíp không chịu bú mẹ nên để tập cho Chíp cách mút ti, HA phải gắn ống dẫn nối với xilanh sữa mẹ vào ngón tay út rồi cho Chíp mút ngón tay, trong lúc từ từ bóp xilanh để sữa chảy xuống. Đây là cách được khuyến cáo của hiệp hội NCBSM quốc tế. Cách mút ngón tay gần giống cách ti mẹ nên có thể cho bé luyện. Sau 1 tháng, cuối cùng Chíp cũng chịu bú mẹ!!!

–        Để lượng sữa sx được nhiều nhất, cố gắng hết sức không cho bú sữa công thức, dù không bú bằng bình mà bơm xilanh hay xúc thìa. Nên nhớ trong một ngày, ở một thời điểm, trẻ chỉ tiêu hóa được một lượng sữa nhất định, giả dụ 600ml. Nếu cho bú mẹ hoàn toàn thì dần dần tất cả nhu cầu đó sẽ được đáp ứng đầy đủ, tức 600 ml sữa mẹ. Ngược lại, nếu cho bé bú một bình 100ml sữa bò, thì điều đó không có nghĩa là trẻ bú thêm được 100ml mà thực ra 100ml sữa mẹ đã bị cắt giảm, trẻ chỉ còn bú 500ml sữa mẹ mà thôi.

Tóm lại: Bé bú thêm 1 bình sữa ngoài = sữa mẹ giảm đi 1 bình. Bé đòi bú nhiều nữa = mẹ cho thêm thành 2 bình sữa ngoài = sữa mẹ càng giảm đi = mẹ thấy thiếu sữa hơn nên lại tăng thêm sữa ngoài = sữa mẹ giảm tiếp … Dần dần sữa mẹ có thể cạn kiệt, dẫn đến cai sữa sớm!!!

Có một hiện tượng dễ khiến mọi người rơi vào vòng luần quẩn nói trên. Chính HA đã từng gặp phải nhiều lần, cũng như đã tư vấn cho không biết bao nhiêu bạn, may thay đa phần đều kịp thời cứu vãn. Đó là việc có những hôm đột nhiên bé đói liên tục, vừa bú xong chừng 30p-1h đã lại khóc đòi bú. Mẹ cảm giác không còn sữa để cho bé bú nữa, mệt mỏi, căng thẳng và kiệt sức. Đa số chọn giải pháp cho bú bình và kết luận: “Mình không đủ sữa!”

Đây là một sai lầm vô cùng phổ biến và hậu quả vô cùng đáng tiếc. Mọi người không hiểu rằng bé đang trải qua một giai đoạn phát triển hết sức bình thường, tiếng Anh gọi là “growth spurts”, tiếng Pháp là “pousée de croissance”. Hiện tượng này diễn ra nhiều hay ít tùy từng bé, mỗi lần kéo dài vài ngày, thường hay gặp vào lúc bé 7-10 ngày, 3-6 tuần và 3-4 tháng. Đây là các mốc phát triển mạnh, sau mỗi đợt bé có thể tăng vọt chiều cao và cân nặng. Chính vì thế bé có nhu cầu dinh dưỡng tăng đột biến.

Hiểu được điều này, mọi người hãy bình tĩnh, tự tin, nghỉ ngơi thư giãn, uống nhiều sữa/nước, ăn đủ và quan trọng là cho con bú mỗi khi nó đòi. Cố gắng hết sức hạn chế việc cho bú thêm sữa bò. Rất nhanh chóng, trong một vài ngày, cơ thể bắt được tín hiệu rằng nhu cầu của bé đang tăng cao và sẽ sản xuất sữa nhiều lên.

Đừng quên là sữa mẹ có sẵn trong các nang, sẽ xuống khi bé bú. Đồng thời sữa cũng được sản xuất tiếp khi có tín hiệu bú. Ngực không căng không có nghĩa là không có sữa như nhiều người lầm tưởng, và càng bú nhiều thì càng nhiều sữa.

–        Để kích thích sữa mạnh hơn nữa, sau khi bé bú xong, mẹ tiếp tục dùng máy vắt tiếp 2 bên ngực cho đến cạn kiệt. Không ra sữa nữa vẫn tiếp tục vắt thêm vài phút mỗi bên. Làm như thế, cơ thể tưởng em bé cần bú nữa nên sẽ tự động sản xuất thêm. Sữa mẹ ngày càng dồi dào.

Sau 6 tuần, nhà máy đi vào nền nếp, biết rõ giờ nào khách cần bao nhiêu nên sản xuất vừa đủ, ngực tương đối mềm (nhiều người tưởng lầm là mất sữa), chỉ cứng hơn vào giờ bé bú, ít có hiện tượng căng tức và chảy sữa. Lúc này đã đạt tới sự hòa hợp rất tốt của cơ chế cung-cầu. Từ nay mẹ có thể cho bé bú theo nhu cầu, không cần quan tâm đến vấn đề giờ giấc (3h/lần) nữa, trừ khi muốn tăng sữa.

Như vậy điều quan trọng nhất để có nhiều sữa chỉ đơn giản là cho bú nhiều mà thôi. Ngoài ra, 2 yếu tố sau cũng rất cần thiết cho việc sản xuất sữa:

–        Yếu tố tinh thần: Người mẹ cần nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ càng nhiều càng tốt, tranh thủ ngủ mỗi khi bé ngủ. Tránh lo lắng, căng thẳng. Nếu để ý sẽ thấy sau một giấc ngủ ngon, ngực sẽ đầy sữa. Nhiều người lo mình không đủ sữa dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi. Điều này vô tình làm sữa càng sụt giảm.

–        Vấn đề ăn uống: Mỗi nơi trên thế giới lại có một quan niệm và món ăn, bài thuốc riêng của mình để tăng cường sản xuất sữa. VN hay khuyên bà đẻ ăn chân giò, đu đủ xanh hoặc uống một số loại thuốc bắc. Đây chủ yếu là kinh nghiệm dân gian đã được kiểm chứng qua nhiều thế hệ. Mọi người có tin hay không cũng như có muốn/ có thể ăn hay không thì tùy, sao cho thấy tinh thần thoải mái nhất. HA chỉ nói 2 sự thực thế này:

+ Theo quan niệm phương Tây, không có bất kỳ loại thức ăn nào có khả năng tăng cường sản xuất sữa. Cách ăn đúng là ăn đủ các nhóm thực phẩm (xem lại bài “Ăn uống khi mang thai”), tăng thêm 1-2 khẩu phần đạm. Đồng thời uống nhiều chất lỏng (nước, sữa, nước cam, canh súp…). Khi cho bú cơ thể sẽ tự động khát chứ không cần phải ép uống, chỉ cần để ý không để uống thiếu dẫn đến mệt mỏi. Nên tạo thói quen có cốc nước/sữa ấm bên cạnh khi cho con bú.

Ăn tất cả mọi thứ, không kiêng bất kỳ thực phẩm nào kể cả hải sản, các loại rau thơm. Chỉ tránh caféin có trong rượu, bia, trà, café, nước tăng lực, nước có gas, socola. Tránh thuốc lá, thuốc phiện. Uống thuốc phải hỏi BS kĩ càng. Hạn chế ăn cá biển sâu. Khác với lúc mang thai, thịt cá chưa chín kỹ mẹ ăn chỉ hại mẹ chứ không truyền bệnh sang con qua sữa. Riêng một số loại rau họ cải như bắp cải, cải xanh, súp lơ xanh … có thể kích ứng hệ tiêu hóa của một số bé. Nếu bé bị đầy hơi hoặc phân có vấn đề thì nên tránh ăn các loại rau này một thời gian.

+  Các loại thảo dược, thuốc bắc có thể có tác dụng nhất định. Song vì đa số chưa được nghiên cứu khoa học kiểm chứng nên có thể có nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và con. Vì thế, để an toàn, tốt nhất không nên dùng.

Khi cho Chíp bú HA không kiêng bất kỳ thực phẩm nào, hoàn toàn không uống thuốc bắc và tuyệt đối không bao giờ ăn chân giò. HA chỉ áp dụng biện pháp cho con bú thật nhiều, ăn đủ chất, ngủ nghỉ thoải mái. Kết quả là sữa rất dồi dào.

Sưu tầm từ http://chunaicon.wordpress.com

Hotline: 0937 285 888 – 0995 665 123

Share this post

Comments (3)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Liên hệ ngay với chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!