Dầu tràm, cồn không diệt được virus Ebola

Dầu tràm, cồn không diệt được virus Ebola


Việt Nam đã đưa ra nhiều tình huống và triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn Ebola. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao sự chuẩn bị này và cho biết nguy cơ Ebola lây nhiễm ở Việt Nam không cao nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là phòng chống dịch.

Khâu chuẩn bị của Việt Nam rất kịp thời

Theo thông tin mới nhất, cơ quan Đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR), tới ngày 12/8/2014, cộng dồn đến ngày 9/8/2014, tổng số trường hợp nhiễm bệnh do virus Ebola tại 4 quốc gia vùng Tây Phi là 1.848 trường hợp, trong đó có 1.013 đã tử vong.

 

Đoàn công tác của Bộ Y tế giám sát việc kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài ngày 11/8.

Con số tử vong do Ebola mỗi ngày một tăng cao khiến nhiều người hoang mang. Thêm vào đó, trên một số trang mạng đã xuất hiện những tin đồn thất thiệt về dịch bệnh này. Có thông tin cho rằng Việt Nam đã có ca Ebola đầu tiên nhưng thông tin bị giấu giếm?!

Trước thông tin này, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định, Việt Nam chưa xuất hiện ca Ebola nào. Việt Nam cũng đang triển khai rất nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh này xâm nhập. Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ áp dụng thực hiện tờ khai y tế tại các sân bay và cửa khẩu quốc tế vào 0h ngày 15/8/2014. Tuy nhiên, biện pháp này đã được áp dụng ngay từ ngày 11/8, sớm hơn dự kiến.

Mười người Việt sống trong vùng có dịch Ebola 

Đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết: Thông tin bước đầu, tại Nigeria có 15 công dân Việt Nam, trong đó 5 người ở ngoài vùng dịch bệnh, 10 người ở trong khu có bệnh, hiện sức khỏe bình thường.

 

Bộ LĐ,TB&XH cũng đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp không đưa lao động sang các nước có dịch hoặc có khả năng lây lan. Tại 4 nước đang có dịch thì Việt Nam không có người lao động ở đây. Bộ Y tế cũng đã thành lập Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC). Theo đó, văn phòng này sẽ tiếp nhận, tổng hợp, xác định, phân tích thông tin về tình hình dịch bệnh và các hoạt động đáp ứng từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, tổ chức đánh giá nguy cơ của dịch bệnh và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, tuần, tháng theo quy định.

 

Đánh giá về khả năng lây nhiễm Ebola cũng như công tác phòng chống dịch bệnh, ông Masaya Gato – đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, nguy cơ lây nhiễm Ebola vào Việt Nam là thấp. Theo ông Masaya Gato, lý do có nhận định này là vì cơ chế lây Ebola chủ yếu qua các tiếp xúc gần,Việt Nam lại chưa ghi nhận ca bệnh nào xâm nhập. Hiện mới chỉ có 4 nước Tây Phi nằm trong vùng dịch. Trong khi đó, WHO đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam. Ngành Y tế Việt Nam đã rất kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống Ebola.

Theo ông Masaya Gato, Việt Nam nên tập trung vào các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch, nâng cao sự hiểu biết cho cán bộ y tế và nhân dân về dịch bệnh. Đại diện WHO cũng cho biết, hiện chưa có vaccine phòng bệnh cũng như chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu nào đối với người nhiễm Ebola. Tất cả các phương pháp điều trị hiện nay chỉ là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Thế giới đang nỗ lực nghiên cứu vaccine phòng bệnh.

Chưa có kế hoạch đầu tư phòng an toàn sinh học cấp 4

Trên các mạng xã hội đang lan truyền thông tin về cách phòng chống dịch Ebola bằng cách dùng dầu tràm, cồn… Bác sỹ Nguyễn Văn Kính – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, việc tiêu diệt được virus Ebola cần có các hóa chất khử khuẩn do Bộ Y tế hướng dẫn, dầu tràm, cồn chỉ có tác dụng sát khuẩn chứ không tiêu diệt được virus Ebola. Tuy nhiên, việc giữ gìn vệ sinh đối với cộng đồng là việc rất cần thiết nhằm giảm các nguy cơ lây nhiễm các bệnh dịch.

Nhiều người tỏ ra lo ngại vì Việt Nam chưa được trang bị phòng an toàn sinh học cấp 4 để xét nghiệm. Về vấn đề này, ông Trần Đắc Phu cho biết, một phòng an toàn sinh học được duy trì kèm theo nhiều cơ chế vận hành rất phức tạp, tốn kém. Cả 2 phòng an toàn sinh học cấp 3 của Việt Nam hiện nay đều được phía Nhật Bản giúp đỡ. Cách đây 5 năm, việc đầu tư cho một phòng an toàn sinh học cấp 3 đã tốn khoảng 120 tỷ đồng. Hiện Việt Nam chưa có kế hoạch trang bị phòng an toàn sinh học cấp 4. Đại diện WHO cũng cho biết, việc Việt Nam được trang bị 2 phòng an toàn sinh học cấp 3 đã hơn rất nhiều nước trên thế giới.

Ông Trần Đắc Phu cho rằng, lo ngại lớn nhất trong thời điểm này là dịch bệnh Ebola xâm nhập và lưu hành tại Việt Nam và vấn đề biến đổi của dịch bệnh. Tiếp đó là vấn đề tâm lý của người dân và nhân viên y tế. Nếu thông tin không chính xác, người dân sẽ hoang mang. Còn đối với nhân viên y tế, ông Trần Đắc Phu cho rằng không đáng lo ngại vì các nhân viên y tế của Việt Nam đều có tinh thần, kinh nghiệm chống dịch bệnh rất cao.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo gia đình hay cộng đồng không tự chăm sóc cho bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh do virus Ebola tại nhà. Tốt nhất hãy đưa người bệnh đến bệnh viện hay trung tâm y tế có các bác sỹ, y tá có chuyên môn, đầy đủ trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân. Nếu bạn có ý định chăm sóc cho người thân bị nhiễm bệnh do virus Ebola tại nhà, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, bạn cần thông báo cho cán bộ y tế địa phương để được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhân và cung cấp dụng cụ (găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân), hướng dẫn cách tháo bỏ và tiêu hủy phương tiện này sau khi sử dụng, thông tin về cách bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng không bị lây nhiễm.

Việt Nam có đủ khả năng chẩn đoán, xác định virus Ebola

GS.TS Nguyễn Trần Hiển- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Về kỹ thuật, chúng ta có đủ khả năng chẩn đoán xác định virus Ebola. Tuy nhiên, chúng ta chưa đủ điều kiện về an toàn sinh học để xét nghiệm Ebola tại Việt Nam, vì đây là virus tối nguy hiểm.
Theo quy định của WHO thì việc xét nghiệm chẩn đoán phải được thực hiện tại phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4, cấp cao nhất, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho cán bộ y tế và cộng đồng. Hiện Bộ Y tế Việt Nam đã liên hệ với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ để gửi mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có trường hợp nhiễm virus Ebola tại Việt Nam. Quá trình lấy mẫu sẽ phải tuân thủ một quy trình rất nghiêm ngặt, nhân viên y tế được tập huấn kỹ lưỡng và được trang bị  các phương tiện phòng hộ như quần áo, mũ, khẩu trang, kính, găng tay, dùng ống nghiệm chân không để hút máu… và đóng gói bệnh phẩm 3 lớp theo đúng quy định trước khi gửi đến phòng xét nghiệm.
Giám sát chặt chẽ các phi trường, cảng biển

“Phi trường, cảng biển và các cơ sở y tế là 3 nguồn có khả năng phát hiện người nghi nhiễm Ebola…”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM- ông Nguyễn Hữu Hưng đã chia sẻ tại buổi kiểm tra hoạt động giám sát dịch bệnh Ebola (sáng 12/8) ở phi trường Tân Sơn Nhất.
Đại diện cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế tại phi trường, ông Trần Hồng Tâm cho biết, hiện cả phi trường có 4 máy đo thân nhiệt, trong đó 2 máy đang chạy 24/24, 2 máy còn lại dùng làm thiết bị dự phòng, nhằm đảm bảo quá trình kiểm tra, giám sát không bị gián đoạn.
“Từ khi thiết lập hệ thống giám sát thân nhiệt và thủ tục kê khai y tế, phi trường Tân Sơn Nhất có phát hiện 1 hành khách đến từ Nigieria, 2 hành khách đến từ Angola. Mặc dù thuộc các quốc gia liên quan đến vùng dịch bệnh ở Phi Châu, song 3 hành khách nói trên không phát hiện dấu hiệu gì bất thường”, ông Tâm cho biết thêm. Bên cạnh phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất, ngành Y tế TPHCM cũng đã triển khai các hoạt động giám sát nhằm kịp thời phát hiện các ca nghi nhiễm Ebola tại cảng Sài Gòn và hệ thống cơ sở y tế.
Còn tại Đà Nẵng, ngày 12/8 địa phương này đã lên kế hoạch tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Ebola trên địa bàn. Đà Nẵng là thành phố du lịch có bến cảng, sân bay quốc tế với nhiều đường bay trực tiếp từ các nước trên thế giới, đặc biệt đây là mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng do đó quan điểm của ngành Y tế Đà Nẵng là kiểm soát chặt chẽ từ đầu. Hiện TP Đà Nẵng đã có trung tâm kiểm dịch quốc tế và bộ phận này sẽ có nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, không chỉ kiểm tra trên con người mà còn kiểm tra cả hàng hóa, động vật…
Ngoài ra, Sở Y tế Đà Nẵng sẽ thực hiện kiểm soát dịch bệnh qua cộng đồng (Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện, 56 trạm y tế phường, xã); tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu và biết cách phòng tránh dịch bệnh… Ngoài 3 máy đo thân nhiệt đã được trang bị hiện có, Sở Y tế Đà Nẵng sẽ đầu tư thêm máy để đáp ứng nhu cầu kiểm soát dịch bệnh qua các cửa khẩu như hàng không, cảng biển.

Theo Giadinh

Share this post

There are no comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Liên hệ ngay với chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!