Nghệ thuật để cha mẹ trở thành người bạn của con

Nghệ thuật để cha mẹ trở thành người bạn của con

Cha mẹ thường gặp rắc rối khi không thể giao tiếp với con. Ở tuổi tiểu học, trẻ bắt đầu có dấu hiệu phản kháng cha mẹ. Tầm lớp 6-7, con vô cùng bướng bỉnh.
1-5360-1428910968.jpg

Ảnh: Sheknows

Lý do cha mẹ khó nói chuyện với con thì nhiều lắm, đến từ cả hai phía. Cha mẹ cho rằng con nói năng khó nghe. Con nói lời nào cũng như chọc vào tai ấy, chưa kể thỉnh thoảng lại thiếu lễ độ, thiếu chủ vị, thiếu thưa gửi, thiếu ạ. Cha mẹ không sao nói với con được hai câu dù thương nó vô cùng. Con thì suy nghĩ cha mẹ chẳng hiểu gì về mình cả. Cha mẹ suốt ngày chỉ đòi hỏi, quát nạt, mắng mỏ, chỉnh đốn. Con là đứa tệ hại đến thế à? Tại sao suốt ngày cha mẹ so sánh con, con không muốn nghe các gương “Người tốt việc tốt” đâu. Mà sao suốt ngày tò mò việc của con thế?

Việc cha mẹ và con cái không thể nói chuyện được với nhau thực sự là chưa ai chịu mở lòng ra để thực sự giao tiếp bằng trái tim. Các cha mẹ ơi, người có thể làm được việc này dễ dàng chính là các cha mẹ. Vậy, chúng ta hãy làm theo các bước sau nhé.

Bước 1: Nhắm mắt và hồi tưởng về quá khứ

Quá khứ gồm hai loại: Loại một là thời chính cha mẹ còn nhỏ, mình mong muốn ở cha mẹ điều gì, có khi nào ức chế vì cha mẹ quá áp đặt, quá gây sức ép và hay quát mắng hay không. Loại hai là khi con mới sinh ra, con dễ thương thế nào, con ngộ nghĩnh ra sao.

Bước 2: Nói với con

Chúng ta hãy cùng bắt đầu nói với con bằng câu chuyện tỉ tê kể về thời ngày xưa của mẹ nhé. Hãy kể cho con nghe lúc chúng ta nhỏ bằng con, chúng ta cũng có những kỉ niệm, những vui buồn và đặc biệt là những điều ngốc nghếch của tuổi dở hơi thế nào. Đảm bảo con sẽ rất vui mừng.

Bước 3: Chia sẻ với con

Khi đã kể xong câu chuyện ngày xưa, chúng ta hãy nói với con rằng chúng ta hiểu con cũng có những ức chế với cha mẹ, nhưng không nói ra vì không muốn làm mất lòng cha mẹ. Sau đó, hãy nghị con cùng với mình tìm cách nói chuyện, giao tiếp với nhau nhẹ nhàng. Cha mẹ có một số yêu cầu như sau:

– Con ăn nói phải lễ độ, câu có đủ chủ vị, có thưa gửi đàng hoàng.
– Con cần cởi mở hết mức với cha mẹ, có yêu cầu gì thì nói.
– Cha mẹ sẽ cố gắng hiểu con. Nếu cha mẹ không hiểu, con hãy cho cha mẹ thời gian để suy nghĩ, đừng ức chế mà nói láo ngay.
– Đồng thời, chúng ta cũng cho con được đề xuất một số yêu cầu dành cho cha mẹ.

Bước 4: “Buôn dưa” với con

Đừng ngại ngùng “buôn dưa”, con rất thích được làm bạn tâm giao với cha mẹ. Nếu có vấn đề gì buồn bã hay chán nản mà cha mẹ gặp phải trong cuộc sống, hãy tin tưởng vào tài tư vấn của con nhé. Biết đâu, con sẽ giỏi giang giúp được cha mẹ thì sao.

Bước 5: Viết thư cho con

Thỉnh thoảng có những điều khó nói bằng lời vì nói ra là cãi vã, cha mẹ nên thay đổi phong cách bằng viết thư. Một lá thư dù trách móc nhưng được cân nhắc câu từ và có thêm vài câu nhỏ như: “Mẹ rất yêu con nên mẹ…” thì con cũng sẽ thấy dễ chịu hơi là những lời nói xỉ vả.

Những điều cha mẹ cần lưu ý

1. Tôn trọng con

Một khi đã bắt đầu nói chuyện với con, cha mẹ tuyệt đối không được làm việc phân tâm khác như chat chít với bạn bè, nhắn tin, hoặc nói chuyện điện thoại. Khi đang giao tiếp với nhau mà một người còn bận làm việc khác thì rõ ràng là thiếu tôn trọng người kia. Con sẽ vô cùng cáu gắt nếu cha mẹ đang nói với mình mà tay vẫn bấm tin nhắn hoặc chat chit. Nếu có điện thoại lúc đó, cha mẹ cần xin lỗi con rồi hãy nhấc máy để trả lời. Hãy tôn trọng con như người lớn, lúc đó con mới tôn trọng cha mẹ.

2. Khi thấy câu chuyện có vẻ không được suôn sẻ thì dừng ngay lập tức

Nếu cha mẹ thấy nóng gáy do con nói ra những điều khó chịu thì ngưng ngay, ra uống nước và suy nghĩ tìm cách khuyên nhủ con chứ đừng quát mắng. Chỉ vài lần bị quát mắng là con lại thu mình vào và không giao tiếp với cha mẹ nữa.

3. Luôn đặt mình ở vị trí của con mà suy nghĩ

Cha mẹ đừng quên thời trẻ trâu của mình, cũng đầy lúc dở hơi. Nếu cha mẹ thông cảm cho con thì con sẽ dần dần bị thuyết phục. Còn nếu cứ nghĩ con tồi tệ và xỉ vả thì con sẽ càng bướng và càng tách rời khỏi cha mẹ hơn.

4. Hãy tìm hiểu cuộc sống của giới trẻ

Điều này sẽ giúp cha mẹ có nhiều thông tin để hiểu con hơn. Lâu lâu sử dụng từ ngữ teen để nói chuyện sẽ làm cho con rất vui sướng, “Òa, bố mẹ mình teen quá, kute quá”. Bố mẹ teen sẽ khiến con thích và tự hào hơn là bố mẹ nhiều thành tích.

5. Nếu thấy mình sai, hãy dũng cảm xin lỗi con

Con người không ai đúng toàn bộ, đừng bắt con phải cảm thông cho lỗi sai của mình khi chính mình không dũng cảm nhận lỗi. Con nhìn bố mẹ bướng bỉnh chối tội vừa ghét vừa học hỏi ngay. Những lúc khác con bướng không chịu nhận lỗi cũng là do con học bố mẹ đấy. Vì thế, hãy nhận lỗi ngay khi mình nhận ra là đã sai. Yên tâm đi, bọn trẻ bao dung hơn người lớn nhiều lắm. Chúng sẽ tha thứ ngay cho “kẻ tội đồ xấu xa”.

Nói chuyện với con không phải là việc khó, tìm được điểm chung với con rất dễ nếu như cha mẹ dẹp bớt cái tôi của chính mình. Hãy làm điều đó vì con nhé.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Share this post

There are no comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Start typing and press Enter to search

Shopping Cart

Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Liên hệ ngay với chúng tôi!
Gọi ngay cho chúng tôi!